Giải vô địch bóng đá châu Âu 1972 (Euro 1972) là giải vô địch bóng đá châu Âu lần thứ tư do UEFA tổ chức 4 năm một lần. Vòng chung kết diễn ra tại Bỉ từ ngày 14 cho đến ngày 18 tháng 06, năm 1972. Tại giải, đội tuyển Tây Đức giành chức vô địch châu Âu đầu tiên của mình. Với việc giành thêm chức vô địch thế giới hai năm sau đó tại World Cup 1974, đội Tây Đức trở thành tuyển quốc gia đầu tiên đồng thời giữ hai danh hiệu Đương kim vô địch châu Âu và vô địch thế giới.
Euro 1972: Không ai cản nổi người Đức
Xuyên suốt lịch sử tồn tại, chiếc Cúp VĐ châu Âu luôn chọn cho mình mỗi kỳ một “ông chủ” khác nhau. Và ở EURO’72, Italia đã chính thức rời khỏi ngai vàng ngay từ vòng tứ kết, nhường chỗ cho “Hoàng đế” Beckenbauer và chiến hữu lên ngôi, sau trận chung kết có cách biệt về tỷ số lớn nhất mọi thời đại.
Sự ra đời của trường phái libero
Tại kỳ EURO 32 năm về trước, nhờ “nhà cách mạng” Franz Beckenbauer, lần đầu tiên người ta được biết đến cái gọi là libero. Thi đấu trong vai trò hậu vệ quét mang khuynh hướng tấn công, điều chưa từng tồn tại trước đó, thành viên của CLB Bayern Munich đã chơi cực kỳ nổi bật, góp công lớn vào thắng lợi cuối cùng của ĐT CHLB Đức trên đất Bỉ. Ngoài ra, “Hoàng đế” còn ẵm luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Tiếng gầm của “bầy quỷ đỏ”
Tại vòng 1/4, đội chủ nhà không mấy tiếng tăm Bỉ đã bất ngờ quật ngã ĐKVĐ Italia. Sau khi kiên cường cầm chân The Azzuri 0-0 tại Milan, Wifried van Moer cùng Paul van Himst đã lần lượt lập công trong trận lượt về tại Brussels, giúp đội nhà đánh bại Italia 2-1 để giành quyền vào bán kết. Tuy nhiên, đó cũng là chặng dừng chân của “bầy quỷ đỏ” khi họ thúc thủ trước CHLB Đức với tỷ số tương tự. Nhưng nói gì thì nói, việc vượt qua Hungary để đoạt HCĐ đã là thành tích quá lớn đối với đội bóng của quốc gia Trung Âu (tính đến thời điểm đó).
Cuộc “đại tu”
Trước khi bước vào trận đánh lớn, Helmut Schoen đã mạnh dạn loại bỏ nhiều công thần luống tuổi, những người đưa CHLB Đức đến vị trí thứ 3 World Cup’70. Thêm vào đó, việc chân sút Uwe Seeler giải nghệ đã buộc nhân vật đứng đầu đội bóng phải tái tạo lại hàng công. Thế nhưng, không phải vô cớ mà Schoen thực hiện cuộc cải tổ nhân sự quy mô ấy. Trước hết, vì hầu hết những vị trí chính thức của ĐTQG chỉ tập trung tại 2 CLB (Bayern Munich và Borussia Monchengladbach) nên họ dễ dàng tìm được tiếng nói chung trên sân cỏ. Nguy cơ xáo trộn được loại bỏ. Thứ hai, giữa thủ lĩnh của hàng phòng ngự là Franz Beckenbauer và “nhà đạo diễn” khu trung tuyến Gunter Netzer có một sự ăn ý gây kinh hoàng cho mọi đối thủ. Và cuối cùng, sự hiện diện của Gerd Muller, một trong những cỗ máy ghi bàn khủng khiếp nhất trong thế kỷ 20, đã khiến ĐT áo trắng trở thành một tập thể hoàn hảo.
Thẳng tiến đến vinh quang
Với sức mạnh huỷ diệt, “cỗ xe tăng” Đức cứ lừng lững tiến lên, nghiền nát tất cả những vật cản xuất hiện trên đường đến với chiếc Cúp. Sau khi dẫn đầu vòng loại với thành tích 4 thắng, 2 hoà, CHLB Đức tiếp tục cho đại kình địch Anh đo ván tại vòng tứ kết. Kế đó, đến lượt “ngôi sao băng” Bỉ tắt ngóm trước 2 phát đạn trúng đích của Muller. Gặp Liên Xô ở trận chung kết, các tuyển thủ của Schoen đã giữ trắng lưới, đồng thời 3 lần chọc thủng lưới thủ thành Rudakov (Muller góp 2 bàn). Chiến thắng rực rỡ này chính là bước đệm để Beckenbauer và đồng đội nâng cao chức VĐ thế giới 2 năm sau.
Cầu thủ xuất sắc:
- Tiền đạo: Gerd Mueller (Tây Đức - 1972)
NHM đã đặt cho Gerd Mueller biệt danh “cỗ máy ghi bàn” khi chứng kiến ông ghi 68 bàn thắng trong 62 trận khoác áo Tây Đức. Tại kỳ Euro 1972, Gerd Mueller được sự hỗ trợ rất lớn từ Beckenbauer cũng như Günter Netzer… để ghi những bàn thắng quyết định đem về danh hiệu vô địch cho Tây Đức (cú đúp trong trận bán kết gặp Bỉ và trận chung kết trước Liên Xô là minh chứng rõ nét nhất). Bản thân Gerd Mueller đã giành danh hiệu Vua phá lưới với 4 pha lập công.
- Hậu vệ: Franz Beckenbauer (Tây Đức - 1972, 1976)
“Hoàng đế” cùng Tây Đức đoạt chức vô địch Euro năm 1972 và đưa Mannschaft trở thành một trong những đội bóng hàng đầu thế giới. Ở kỳ Euro 1972 được tổ chức tại Bỉ, Franz Beckenbauer được biết đến như một thủ quân tài ba khi giành chiến thắng thuyết phục 3-0 trước Liên Xô cũ trong trận Chung kết. 4 năm sau đó, vẫn có tên Franz Beckenbauer trong đội hình nhưng Tây Đức đã để thua Tiệp Khắc trong loạt đấu súng định mệnh. Dù vậy thì Beckenbauer vẫn luôn được xem như bậc kỳ tài trong làng túc cầu thế giới với câu nói nổi tiếng: “Kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng, mà kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh.”
Vòng loại
Vòng loại Euro 1972 được chia làm hai giai đoạn: Ở giai đoạn đầu tiên, 32 đội bóng được chia thành 8 bảng, thi đấu theo thể thức sân nhà-sân khách, vòng tròn hai lượt tính điểm, lấy một đội đầu bảng vào vòng tứ kết. Tám quốc gia này sẽ lại được bốc thăm phân cặp, thi đấu loại trực tiếp hai lượt trận đi và về, lấy bốn đội mạnh nhất đi dự vòng chung kết.
Thống kê về giải đấu
Quốc gia đăng cai: Bỉ
Thời gian: 14 – 18 tháng 6
Số đội: 4 (từ 32 đội tham dự vòng loại)
Vô địch: Tây Đức (vô địch lần đầu)
Số trận: 4
Số bàn thắng: 10 (2,5 bàn/trận)
Vua phá lưới: Gerd Müller (4 bàn)
Tóm tắt Vòng chung kết
Bán kết
Ngày 14/6/1972: Bỉ - Tây Đức: 1-2
Sân Bosuil, Antwerp
Trọng tài: William J. Mullan(Scotland)
Ngày 14/6/1972: Hungary – Liên Xô: 0-1
Sân Émile Versé, Brussels
Trọng tài: Rudi Glöckner(Đức)
Tranh hạng ba
Ngày 17/6/1972: Hungary – Bỉ: 1-2
Sân Sclessin, Liege
Trọng tài: Johan Einar Boström(Thụy Điển)
Chung kết
Ngày 18/6/1972: Tây Đức – Liên Xô: 3-0
Sân Heysel, Brussels
Trọng tài: Ferdinand Marschall(Áo)-
Sân vận động
- Sân Heysel
Địa điểm: Brussels, Bỉ
Sửa chữa: 50,000hơn
Đăng cai: 1 trận chung kế
Khánh thành: ngày 23 tháng 8 năm 1930
- Sân Bosuil
Địa điểm: Antwerp, Bỉ
Sức chữa: 20,000 hơn
Đăng cai: 1 trận bán kết
Khánh thành: năm 1923
Sân Bosuil
Vị trí | Đội bóng | T/H/B | Điểm |
---|
Thành phố và sân vận động
Top 3 của các kỳ Euro
Năm | Vô địch | Giải nhì | Giải ba |
---|---|---|---|
2008 | Tây Ban Nha | Đức | Nga / Thổ Nhĩ Kỳ |
2004 | Hy Lạp | Bồ Đào Nha | Hà Lan / Séc |
2000 | Pháp | Ý | Hà Lan / Bồ Đào Nha |
1996 | Đức | Séc | Pháp / Anh |
1992 | Đan Mạch | Đức | Hà Lan / Thụy Điển |
1988 | Hà Lan | Liên Xô | Ý / CHLB Đức |
1984 | Pháp | Tây Ban Nha | Đan Mạch / Bồ Đào Nha |
1980 | CHLB Đức | Bỉ | Tiệp Khắc |
1976 | Tiệp Khắc | CHLB Đức | Hà Lan |
1972 | CHLB Đức | Liên Xô | Bỉ |
1968 | Ý | Nam Tư | Anh |
1964 | Tây Ban Nha | Liên Xô | Hungary |
1960 | Liên Xô | Nam Tư | Tiệp Khắc |