Từ sau chức vô địch World Cup năm 1966, tuyển Anh vẫn chỉ là một vị hành khách lạc lõng trên những chuyến tàu chở vinh quang. Những khao khát đó dù vẫn chưa thôi cháy bỏng trong lòng các CĐV đội bóng áo trắng, song các cầu thủ của họ vẫn cứ khước từ cái vinh dự được thi đấu và cống hiến hết mình. Mọi thứ có lẽ vẫn sẽ là như vậy đối với Tam Sư, nếu như không có chức vô địch lịch sử của Chelsea tại UEFA Champions League.
Đội tuyển Anh luôn được NHM túc cầu giáo ở Việt Nam dành tặng cái tên "Hổ Giấy" để gọi trong mỗi một mùa bóng lớn. Quả thật, không có biệt danh nào đúng với tuyển Anh hơn là biệt danh đáng xấu hổ trên, khi những kì vọng đặt vào đội bóng này luôn bị đáp lại bằng những màn trình diễn nhạt nhòa nhất. NHM của họ đã đợi quá lâu để được đứng trên đỉnh châu Âu, nhưng tất cả những gì mà họ làm được cũng chỉ là số lần lọt vào bán kết đếm trên đầu ngón tay. Nhìn sang người hàng xóm là Pháp hay Đức, sự tủi thân lại dâng trào vì người Anh luôn tự hào họ có giải đấu hấp dẫn nhất thế giới...
Lối đá mà tuyển Anh mang lại cho làng túc cầu thế giới là đỉnh cao của trường phái Anglo-Saxon, với những pha chồng biên rồi lật bóng vào cho các tiền đạo dứt điểm. Với nhiều đội khác cũng dùng lối đá này, họ coi đây là quân bài tẩy nhằm tháo gỡ bế tắc nếu như chiến thuật ban đầu phá sản, không phải sử dụng nó một cách lạm dụng như tuyển Anh. Có bóng, họ đưa ra biên rồi tạt vào. Khi không đưa được ra biên hay không tạt được vào, tuyển Anh bế tắc đến đáng sợ. Rất nhiều lý do có thể giải thích được cho thành tích yếu kém của một trong những đội bóng có nhiều ngôi sao nhất thế giới này, và lý do thuyết phục nhất có lẽ là lối chơi đã qua thời của họ.
Nhìn vào danh sách triệu tập chính thức của Anh ở thời điểm này, người ta lại tiếp tục lắc đầu và dự đoán trước một kết quả không mấy khả quan cho các cầu thủ áo Trắng. Với một đội hình mà chưa ra sân, người ta có thể đoán được ý đồ triển khai thế trận thì có lẽ thất bại nó là cái gì đó quá dễ đoán rồi. Ở hai biên, hướng tấn công chính của Tam Sư sẽ là Ashley Young và Theo Walcott. Với Young, anh có thể là một cầu thủ tốc độ nhưng lối chơi rất đơn điệu và có phần còn kém hiệu quả hơn Valencia ở Man United. Còn về Walcott, có lẽ chẳng còn từ ngữ nào để diễn tả sự xuống cấp trầm trọng về trình độ của cầu thủ này, và điều ngạc nhiên là anh có thể sẽ được đá chính ở EURO sắp tới. Ở tuyến giữa, có thể sự kết hợp của bộ ba Lampard, Gerrard và Parker có thể đem lại chút gì đó hy vọng, nhưng với việc bộ ba này chưa có cơ hội làm việc chung với nhau (so với sự kết hợp lâu năm của Xavi, Iniesta và Alonso bên phía TBN quả là khập khiễng), việc cả 3 cầu thủ này làm nên chuyện là một giả thuyết tương đối khó xảy ra. Hàng phòng ngự vừa lên ngôi ở Champions League kết hợp với thủ môn tân vô địch Premier League có lẽ là tuyến đáng tin cậy nhất của Tam Sư mùa hè này. Chủ công Rooney phải ngồi ngoài 2 vòng đấu đầu tiên và việc buộc phải sử dụng cầu thủ mang tiếng chân gỗ Welbeck sẽ thêm một nguy cơ nữa cho Tam Sư. Có lẽ, mục tiêu vượt qua vòng bảng gồm có cả Pháp và Thụy Điển đúng là một kế hoạch khó khăn.
Đội tuyển Anh là một trong những đội tuyển được hâm mộ nhiều nhất ở Việt Nam, bên cạnh các đội như Hà Lan, Đức, Brazil hay Argentina. Theo các phương tiện truyền thông chính thức, họ gọi tuyển Anh là Tam Sư (Three Lions) đúng như cách mà giới truyền thông tại Anh gọi đội tuyển của họ. Nhưng với nhiều CĐV tại Việt Nam, họ dành tặng cái tên vừa châm biếm vừa xót xa là "Hổ Giấy" cho đội bóng áo Trắng, và khi chưa thể đăng quang để dẹp đi điều tiếng, NHM của tuyển Anh sẽ còn phải nghe đi nghe lại cái biệt danh không mấy hay ho này.
Cầu thủ đáng chú ý
Alex Oxlade-Chamberlain, tiền vệ cánh thuộc biên chế CLB Arsenal là cầu thủ chúng tôi cho rằng đáng chú ý nhất. Đến Arsenal trong kì chuyển nhượng mùa hè với cái giá lên đến 15 triệu Bảng chưa kèm các khoản "phụ thu" khác, rõ ràng cầu thủ này được đội bóng thành London đánh giá rất cao về mặt tư chất. Tuy nhiên, anh không có nhiều cơ hội để thể hiện mình trong giai đoạn lượt đi, và chỉ thực sự vụt sáng khi chơi vài trận hồi mùa đông cho Pháo Thủ. Mặc dù chỉ được ra sân có vài trận ít ỏi trong màu áo Arsenal, sự thăng tiến đến chóng mặt của cầu thủ mà chỉ một năm trước thôi, anh còn đang trong màu áo của một đội bóng hạng Nhất. Chamberlain được gọi vào đội tuyển Anh với nhiều sự kì vọng, và trên hết, anh được người ta mô tả như là một "thần đồng bóng đá mới" của Arsenal. Trong trận đấu giữa Milan và Arsenal tại Emirates, Marco van Basten, huyền thoại người Hà Lan dự khán trận đấu đó đã mô tả Chamberlain "như một viên ngọc sáng nhất của người Anh" lúc này.
Lối đá của Chamberlain dựa nhiều vào tốc độ và chân trụ thấp, giúp anh bẻ đường bóng nhanh chóng và tìm khoảng trống để xuyên phá. Chamberlain sẽ là một thứ vũ khí bí mật rất nguy hiểm khi được thay vào sân từ phút thứ 70 trở đi của trận đấu, thời điểm mà hậu vệ của đối phương đã có dấu hiệu sa sút về mặt thể lực.
Đường đến EURO 2012
Anh tham dự VCK EURO 2012 với tư cách đội nhất bảng G tại vòng sơ loại. Với việc đánh bại Montenegro, Thụy Sĩ, Xứ Wales và Bulgaria, tuyển Anh xuất sắc lọt vào VCK với tấm vé chính thức.
Tại VCK, họ nằm cùng bảng với Pháp, Thụy Điển và chủ nhà Ukraine, những đội bóng nếu chơi không hết sức mình, Tam Sư nhiều khả năng sẽ phải chịu phơi áo.